image banner
Đầu tư phòng học thông minh: Đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục

(HPĐT)- Phòng học thông minh là xu thế mới của giáo dục hiện đại đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ trong giảng dạy và đào tạo. Tuy nhiên, việc triển khai thực tế đối với từng nhà trường đòi hỏi chủ động nắm bắt và chiến lược đầu tư phù hợp, nâng cao hiệu quả chuyển đổi số mà ngành Giáo dục và Đào tạo đang tích cực triển khai...

 

Học sinh Trường THPT Cát Hải ứng dụng thiết bị số trong học tập.

Không ít băn khoăn

Để trang bị một phòng học thông minh đúng nghĩa, bảo đảm phát huy tối đa hiệu quả, chi phí tầm 1,5 tỷ đồng. Một phòng học thông minh đáp ứng nhu cầu của 45 học sinh/lớp. Trong khi mỗi trường trung bình thường có hơn 1.000 học sinh, do vậy, nếu chỉ đầu tư 1 phòng học, khả năng tiếp cận của học sinh toàn trường không nhiều. Ngoài ra, kinh phí đầu tư một phòng học thông minh là băn khoăn của phần lớn lãnh đạo các nhà trường, nhất là trường khối công lập. Thầy Phạm Trung Diện, Hiệu trưởng Trường THPT Thụy Hương (Kiến Thụy), bày tỏ: "Với trường ngoại thành, khó khăn nhất là kinh phí đầu tư bởi ngân sách nhà nước phân bổ mỗi năm có hạn. Trong khi việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư trong nhân dân và cha mẹ học sinh rất khó khăn. Hiện, chưa có trường học khối ngoại thành xây dựng được phòng học thông minh như vậy". Đây cũng là băn khoăn của không ít lãnh đạo nhà trường không chỉ khối ngoại thành như THPT Cát Bà, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Ích Mộc mà cả những trường khu vực nội thành như: THPT Lê Hồng Phong, Hải An, An Dương...

Với Trường THPT Cát Hải, băn khoăn lớn nhất của nhà trường không phải cơ sở vật chất mà là nhân lực để vận hành và sử dụng các trang thiết bị hiện đại bởi trường vừa được đồng chí Bí thư Thành ủy tặng một phòng học thông minh nhân dịp khai giảng năm học mới 2024-2025. Cô Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường thẳng thắn bày tỏ: "Để phối hợp cùng Trường THPT Hồng Bàng và THPT Lương Thế Vinh tổ chức hội thảo chuyên đề “Ứng dụng phòng học thông minh, thiết bị dạy học số kết hợp công nghệ AI và thực tế ảo trong giảng dạy trực tuyến tại các trường THPT”, giáo viên nhà trường được tập huấn 2 lần. Thực tế cho thấy, khó khăn nhất trong việc sử dụng phòng học thông minh hiệu quả vẫn là giáo viên có năng lực tương ứng với trang thiết bị; phải làm chủ, sử dụng thành thạo trang thiết bị. Trong khi đó, một bộ phận giáo viên nhà trường có tâm lý ngại thay đổi, tiếp cận cái mới và công nghệ. Thời gian tới, nhà trường sẽ ưu tiên tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực công nghệ giáo viên để vận hành tốt phòng học thông minh. Tôi mong muốn Sở GDĐT có trung tâm điều phối phòng học thông minh để các trường có thể phối hợp tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên".

Xu hướng tất yếu

Phòng học thông minh mang lại nhiều lợi ích cho học sinh, giáo viên và cả cán bộ quản lý trường học. Sử dụng các thiết bị thông minh và công nghệ tiên tiến giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách hiệu quả cao, từ đó, nâng cao khả năng tư duy, sáng tạo. Tuy nhiên, thực tế triển khai phòng học thông minh trong các nhà trường trên địa bàn chưa nhiều. Toàn thành phố mới có 20/750 trường có phòng học thông minh. Điều này cho thấy nút nghẽn cơ bản vẫn là kinh phí đầu tư. Tuy nhiên, do chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trở thành xu hướng không thể thay đổi, với điều kiện của từng đơn vị và quyết tâm của lãnh đạo nhà trường, mỗi trường xây dựng định hướng, chiến lược theo lộ trình tùy thực tế. Hiệu trưởng Trường THPT Thụy Hương Phạm Trung Diện cho biết, nhà trường sẽ chắt lọc mức độ triển khai phù hợp, cơ bản nhất trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chứ không thể triển khai tổng thể, đồng bộ. Đồng tình quan điểm trên, thầy Nguyễn Trung Thành, Hiệu trưởng Trường THPT Cát Bà bày tỏ: "Dự các tiết học tại phòng học thông minh giúp nhà trường tìm ra lời giải bài toán, cần giải quyết đồng thời cả đào tạo nhân sự có năng lực công nghệ song song với đầu tư cơ sở vật chất. Thậm chí nếu chưa đầu tư được cơ sở vật chất, cần chủ động chuẩn bị đội ngũ giáo viên đón đầu, chứ không thể xong cơ sở vật chất mới tính đến đào tạo nhân lực"...

Phó giám đốc Sở GDĐT Phạm Quốc Hiệu cho biết: "Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chú trọng phát triển năng lực học sinh, trong đó, có năng lực tự học, giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Để phát triển toàn diện năng lực của học trò, thầy cô giáo cần đổi mới các hình thức tổ chức dạy học. Trong đó, ứng dụng chuyển đổi số, sử dụng các thiết bị thông minh, công nghệ trí tuệ nhân tạo trong quản lý, trong giảng dạy và học tập là xu hướng tất yếu. Mặc dù lợi ích của chuyển đổi số trong giáo dục là rõ ràng, nhưng trong quá trình triển khai, ngành không tránh khỏi thách thức. Đối với giáo viên, học sinh, việc làm quen với công nghệ mới có thể gặp khó khăn. Giáo viên cần thời gian để thích nghi và cập nhật kỹ năng, còn các nhà trường cần đầu tư vào hạ tầng công nghệ và đào tạo nhân lực phù hợp. Để cung cấp bức tranh tổng thể giúp lãnh đạo các trường trên địa bàn có cái nhìn thấu đáo, toàn diện, Sở tổ chức các hội thảo, tham quan thực tế mô hình. Từ đó, các trường có kế hoạch, định hướng cụ thể, từng bước đầu tư hạ tầng công nghệ và đào tạo nhân lực tại đơn vị, đưa ứng dụng các thiết bị thông minh, công nghệ AI vào hỗ trợ giảng dạy, học tập, quản lý tại đơn vị một cách thiết thực, hiệu quả và bền vững.

BÀI VÀ ẢNH: BÙI HẠNH

Admin
Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 
TIN MỚI NHẤT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0