THỰC TẾ BÁC BỎ HOÀN TOÀN NHỮNG CÁI NHÌN SAI LỆCH VỀ TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM
THỰC TẾ BÁC BỎ HOÀN TOÀN NHỮNG CÁI NHÌN SAI LỆCH VỀ TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế 2025 (IRF Summit 2025), một số người được cho là “nhà hoạt động tự do tôn giáo” đã phát biểu cáo buộc rằng, chính quyền Việt Nam liên tục vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân. Từ đó, họ kêu gọi chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC).
Cần khẳng định ngay rằng, những cái nhìn tiêu cực, những giọng điệu lạc lõng về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam của một vài cá nhân, tổ chức như đã nêu là hoàn toàn bóp méo, xuyên tạc sự thật. Họ đã dựa vào những thông tin không có cơ sở, chưa được kiểm chứng rõ ràng, thiếu tính khách quan, tính chính xác và tính toàn diện, thể hiện sự tùy tiện, thiếu thiện chí trong nhận định, đánh giá. Những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân thời gian qua đã bác bỏ hoàn toàn những phát biểu hồ đồ, sai trái đó.
Việt Nam là một quốc gia đa dạng các loại hình tôn giáo. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Điều 24 (Chương II) của Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân Việt Nam không chỉ được hiến định trong Hiến pháp mà còn được cụ thể hóa bằng hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện. Pháp luật Việt Nam hiện hành luôn khẳng định Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Hiện nay, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động với hơn 55 nghìn chức sắc, hơn 145 nghìn chức việc, hơn 29 nghìn cơ sở thờ tự; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành trong các tôn giáo luôn được quan tâm; 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước. Việt Nam có đời sống sinh hoạt tôn giáo phong phú với hơn 8.000 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo hàng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ và quần chúng nhân dân. Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tôn giáo tiến hành các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế. Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn đã được tổ chức thành công ở Việt Nam, để lại ấn tượng sâu sắc, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Nhìn tổng quan, hoạt động của các tôn giáo ở Việt Nam cơ bản ổn định, đời sống tôn giáo có nhiều chuyển biến sâu sắc, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được tôn trọng, bảo đảm. Tất cả cơ quan, tổ chức nằm trong hệ thống chính trị Việt Nam đều xác định việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân là nhiệm vụ quan trọng. Cơ quan chức năng của Việt Nam luôn làm tốt công tác hướng dẫn, quản lý, từng bước đưa hoạt động tôn giáo đi vào nền nếp, tuân thủ đúng quy định pháp luật. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được tăng cường. Các tổ chức tôn giáo được công nhận, cấp đăng ký hoạt động xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo phù hợp với văn hóa truyền thống, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành trong các tôn giáo ở Việt Nam luôn được quan tâm. Mọi sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam đều diễn ra bình thường, không gặp bất cứ sự cản trở nào.
Nhà nước Việt Nam có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con giáo dân. Việc giao quyền sử dụng đất để xây dựng, mở mang cơ sở đào tạo, thờ tự của các tôn giáo luôn được chính quyền các địa phương ở Việt Nam quan tâm. Nhà nước Việt Nam luôn chú ý đến công tác báo chí, tuyên truyền, in ấn, xuất bản, đáp ứng yêu cầu hoạt động của các tôn giáo. Bạn bè quốc tế khi đến Việt Nam đều dễ dàng nhận thấy người dân có tín ngưỡng, tôn giáo sinh hoạt bình thường. Các lễ hội của từng tôn giáo được tổ chức chu đáo tại các cơ sở thờ tự thu hút sự tham gia đông đảo của người dân. Trong thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là trước các sự kiện lớn, những nhiệm vụ quan trọng của đất nước, các tôn giáo ở Việt Nam luôn phát huy truyền thống tốt đẹp gắn bó đồng hành cùng dân tộc, sống “tốt đời đẹp đạo”. Bằng tinh thần trách nhiệm với Tổ quốc và nhân dân, các tôn giáo đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực tế đã chứng minh chính quyền Việt Nam không vi phạm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân. Đối với một số cá nhân bị bắt, bị xử lý hình sự không phải vì lý do tôn giáo, mà đó là những công dân đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Thực chất những ý kiến của một số người được cho là “nhà hoạt động tự do tôn giáo” tại IRF Summit 2025 vẫn là giọng điệu cổ súy cho các hội, nhóm đội lốt tôn giáo, hoạt động trái pháp luật, xâm hại an ninh, quốc phòng của Việt Nam. Những giọng điệu ấy hoàn toàn xa lạ với thực tiễn đời sống tôn giáo đa dạng, phong phú, tự do tôn giáo được tôn trọng và bảo vệ tại Việt Nam. Thực chất đó cũng là một phần trong âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động nhằm lợi dụng chiêu bài “tự do tôn giáo”... để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để đấu tranh loại bỏ sự xuyên tạc, bịa đặt, những cách nhìn thiếu khách quan về tình hình tôn giáo ở Việt Nam./.
QUỐC AN
PN.Theo: Nhân văn Hà Nội