QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ BIÊN GIỚI QUỐC GIA
Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm; quản lý, bảo vệ biên giới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia. Vì thế, quán triệt, thực hiện có hiệu quả quan điểm của Đảng, Nhà nước về biên phòng là vấn đề cấp thiết, cần được đẩy mạnh trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nói chung, Bộ đội Biên phòng nói riêng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là một bộ phận trọng yếu của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Đây là nội dung rất quan trọng, được khẳng định trong Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; là cơ sở để các cấp, ngành, địa phương, lực lượng triển khai thực hiện.
Trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia phải quán triệt, thực hiện tốt mục tiêu “Xây dựng hệ thống chính trị các cấp ở khu vực biên giới vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng nền tảng chính trị, tinh thần “thế trận lòng dân” vững chắc ở khu vực biên giới. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc làm nền tảng cho sự nghiệp tăng cường quốc phòng, an ninh và quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Đầu tư xây dựng, phát triển các cụm dân cư biên giới, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nhanh, mạnh và bền vững khu vực biên giới”; “Phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới”. Thực hiện tốt chủ trương tăng thêm cấp ủy viên cấp huyện là cán bộ đồn Biên phòng tại các huyện biên giới, hải đảo trong cả nước; tham gia củng cố, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố biên giới vững mạnh, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc trong thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở khu vực biên giới.
Quán triệt, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biên phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng xác định cần tập trung thực hiện tốt những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, biên phòng. Chủ động nghiên cứu, phối hợp với các lực lượng nắm, đánh giá, dự báo từ sớm, từ xa, sát đúng tình hình, kịp thời báo cáo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiệm vụ biên phòng và xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững chắc.
Hai là, triển khai toàn diện, đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Trọng tâm là phối hợp tổ chức thực hiện tốt các văn kiện pháp lý về biên giới; tham gia đàm phán các vùng biên giới chồng lấn và giải quyết 16% khối lượng công việc còn lại tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia. Duy trì nghiêm các chế độ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển, đảo và khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.
Ba là, tổ chức thực hiện tốt đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước. Trong đó, cần kết hợp chặt chẽ đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân ở khu vực biên giới. Đẩy mạnh và phát huy kết quả hình thức giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới; nhân rộng mô hình kết nghĩa giữa các địa phương và nhân dân hai bên biên giới.
Bốn là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các điều ước quốc tế có liên quan. Chú trọng tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở khu vực biên giới, tạo nền tảng xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố biên giới vững mạnh.
Bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức thiêng liêng và cao cả. Bởi vì, đó chính là nhiệm vụ gìn giữ tài sản vô giá mà ông cha ta đã phải đổi bằng xương máu trong lịch sử tồn tại và phát triển của quốc gia, dân tộc. Sự nghiệp ấy đòi hỏi phải có sự quan tâm thích đáng của Đảng, Nhà nước và sự tham gia với tinh thần trách nhiệm cao của các Bộ, Ngành từ Trung ương đến địa phương cùng nhân dân cả nước, với tinh thần “Tất cả hướng về biên giới”, xây dựng biên giới ngày càng giàu mạnh./.
PN.Theo: Báo Tin Tức