🎇🎆 ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG – 95 NĂM KIẾN TẠO VÀ PHÁT TRIỂN
-----
Đảng bộ thành phố Hải Phòng, ra đời vào tháng 4/1930. Những thành tựu mà Đảng bộ đạt được trong chặng đường 95 năm qua là minh chứng cho sự lãnh đạo kiên cường, quả cảm và những đóng góp to lớn của Đảng bộ và Nhân dân Hải Phòng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cũng như công cuộc xây dựng và phát triển thành phố Cảng năng động, hiện đại ngày nay.
1. Bối cảnh lịch sử và sự ra đời tổ chức Đảng Cộng sản tại Hải Phòng
Vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, dưới ách thống trị của thực dân Pháp, Hải Phòng – từ một làng chài ven biển – đã nhanh chóng trở thành một đô thị - cảng biển quan trọng bậc nhất ở miền Bắc Việt Nam. Quá trình đô thị hóa cưỡng bức phục vụ mục tiêu khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã làm xuất hiện tại Hải Phòng một đội ngũ công nhân, tiểu thương và tầng lớp thị dân mới, đồng thời đẩy mâu thuẫn dân tộc và giai cấp ở Hải Phòng phát triển ngày càng gay gắt. Điều đó làm xuất hiện tại Hải Phòng các phong trào yêu nước và công nhân tiên phong. Đầu năm 1929, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Chi bộ cộng sản đầu tiên tại Hải Phòng được thành lập ở An Dương, nhanh chóng lan rộng ra Thượng Lý, Quán Toan, Cầu Đất...
Cuối năm 1929, Ban Cán sự Đảng bộ Hải Phòng ra đời; đến tháng 4/1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hải Phòng chính thức được thành lập do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Bí thư. Ngay từ buổi đầu, Đảng bộ đã lãnh đạo hiệu quả các phong trào bãi công tại nhà máy Xi măng, nhà máy Sợi, cảng biển..., khẳng định vai trò hạt nhân cách mạng. Từ thực tiễn hoạt động, nhiều cán bộ xuất sắc như Nguyễn Đức Cảnh, Tô Hiệu, Lương Khánh Thiện, Nguyễn Lương Bằng… được phát hiện, rèn luyện và trưởng thành, trở thành những lãnh tụ lãnh đạo tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
2. Kháng chiến chống thực dân Pháp (1930–1954); Xây dựng CNXH và chiến đấu chống chiến tranh phá hoại (1955–1975)
Sau phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930–1931) bị đàn áp, nhiều tổ chức Đảng ở Hải Phòng cũng bị tổn thất nặng nề. Các cơ sở công nhân, thanh niên, nông dân cứu quốc ở thành phố phần lớn bị thực dân Pháp phát hiện, triệt phá. Tuy nhiên, với ý chí kiên cường, các cán bộ đảng viên còn lại đã nhanh chóng khôi phục lại cơ sở. Trong cao trào 1936–1939, phong trào dân sinh, dân chủ ở Hải Phòng phát triển mạnh, với hàng loạt cuộc biểu tình, bãi công đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện điều kiện sống. Đảng bộ đã khôn khéo tổ chức hoạt động dưới vỏ bọc hình thức các hội ái hữu, hội truyền bá quốc ngữ, xây dựng lực lượng trong công nhân, trí thức, học sinh, tiểu thương…
Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp khủng bố trắng, song tổ chức Đảng tại Hải Phòng đã khôi phục nhanh chóng. Năm 1940, Ban Cán sự liên tỉnh B (Hải Phòng – Kiến An – Hòn Gai – Uông Bí) do đồng chí Lương Khánh Thiện làm Bí thư đã lãnh đạo trực tiếp phong trào toàn vùng. Từ 1941, Mặt trận Việt Minh phát triển mạnh, các tổ chức cứu quốc hoạt động sâu rộng trong nội – ngoại thành. Tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy lâm thời, hàng vạn quần chúng Nhân dân đã khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 23/8/1945, Hải Phòng hoàn toàn giải phóng khởi nghĩa giành chính quyền thành công. Cách mạng Tháng Tám đã mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; khẳng định vai trò lịch sử của Đảng bộ Hải Phòng trong lãnh đạo khởi nghĩa thành công.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền cách mạng tại Hải Phòng phải đối mặt với nguy cơ bị lật đổ từ bên ngoài và phản động nội bộ. Ngày 20/11/1946, thực dân Pháp nổ súng chiếm Hải Phòng. Cuộc chiến đấu ác liệt diễn ra, Đảng bộ lãnh đạo các lực lượng vừa chiến đấu giam chân địch, vừa rút lui chiến lược để bảo toàn lực lượng. Trong suốt 9 năm kháng chiến, Hải Phòng vừa tổ chức đấu tranh chính trị trong vùng địch tạm chiếm, vừa phát động chiến tranh du kích ở vùng tự do như An Dương, An Lão, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, Tiên Lãng...
Chiến thắng trong chiến dịch Đông – Xuân 1953–1954 và đặc biệt là Chiến thắng Điện Biên Phủ đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (21/7/1954), chấm dứt chiến tranh xâm lược ở Đông Dương. Theo Hiệp định, thực dân Pháp phải rút khỏi miền Bắc, trong đó có Hải Phòng. Tuy nhiên, Pháp tìm cách trì hoãn việc bàn giao. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hải Phòng, Nhân dân thành phố kiên quyết đấu tranh buộc địch phải thi hành Hiệp định. Ngày 13/5/1955, Hải Phòng được quân ta tiếp quản, đánh dấu thắng lợi vẻ vang trong kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai. Đây là một bước ngoặt chiến lược, khẳng định bản lĩnh kiên cường của Đảng bộ và Nhân dân thành phố Cảng anh hùng.
Ngay sau giải phóng, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo việc tiếp quản, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, cải tạo xã hội chủ nghĩa và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Trung ương giao. Ngày 26/11/1962, tỉnh Kiến An và thành phố sáp nhập vào Hải Phòng hợp nhất thành thành phố Hải Phòng (mới), mở rộng địa giới hành chính, nâng tầm phát triển toàn diện cho thành phố.
Trong suốt những năm giai đoạn 1955–1975, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ, Hải Phòng thực hiện thành công nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa trong công thương nghiệp tư bản tư doanh, cải cách ruộng đất, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp; xây dựng thế trận phòng không, bảo vệ an toàn Cảng biển – cửa ngõ chiến lược, đánh thắng chiến tranh phá hoại của Mỹ, đảm bảo vận chuyển chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập, cả nước tiến lên Chủ nghĩa xã hội.
3. Hồi sinh sau chiến tranh và đổi mới toàn diện
Sau 1975, Hải Phòng đối mặt với khó khăn chồng chất: hạ tầng bị tàn phá, sản xuất đình trệ, cơ chế bao cấp trì trệ, chiến tranh, xung đột biên giới... Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, thành phố từng bước ổn định chính trị – xã hội, khôi phục kinh tế, tạo nền tảng để bứt phá trong thời kỳ đổi mới. Hải Phòng đi đầu trong thực hiện giao khoán, thu hút FDI, xây dựng khu công nghiệp, phát triển kinh tế cảng biển – công nghiệp – dịch vụ; mở rộng hợp tác quốc tế, cải cách hành chính, phát triển giáo dục – y tế – văn hóa, chú trọng quốc phòng – an ninh và an sinh xã hội…
Đặc biệt trong những năm đầu thế kỷ XXI, Hải Phòng đã bứt phá mạnh mẽ, giữ vững vị trí trung tâm vùng Duyên hải Bắc Bộ, là một trong những địa phương tăng trưởng cao nhất cả nước, duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP 2 con số trong hơn 10 năm. Tính đến cuối năm 2024: GRDP đạt 445.995 tỷ đồng, gấp 5,16 lần so với 2010; thu ngân sách đạt hơn 109 nghìn tỷ đồng, gấp 6,5 lần năm 2010; tỷ lệ đô thị hóa đạt 69%, đứng trong nhóm cao nhất cả nước; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 92 xã đạt chuẩn kiểu mẫu. Lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa – xã hội đạt nhiều chỉ số vượt mức trung bình quốc gia: Tỷ lệ học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế duy trì hàng đầu cả nước, duy trì 25 năm có học sinh đạt huy chương trong các kỳ thi quốc tế, đứng trong Top10 địa phương có điểm trung bình cao nhất cả nước trong kỳ thi tốt nghiệp THPT; tuổi thọ trung bình của người dân năm 2023 đạt 75 tuổi; Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới. Là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất về đầu tư nước ngoài; phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao, logistics, cảng biển quốc tế, tài chính và chuyển đổi số, với 853 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn hơn 24,5 tỷ USD…
Với những cống hiến và sự hy sinh của các thế hệ người dân thành phố trong các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, cùng với những thành tựu to lớn đã đạt được trong quá trình xây dựng Chủ nghĩa xã hội, ngày 28/4/2025, thành phố Hải Phòng đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: “Thành phố Anh hùng”. Đây là niềm tự hào và là động lực to lớn để Hải Phòng tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới. Xây dựng thành công mô hình Chủ nghĩa xã hội gắn với con người Xã hội chủ nghĩa vào năm 2030 với mục tiêu trở thành nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố: kinh tế phát triển cao và bền vững; xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; con người được phát triển toàn diện cả về trí tuệ, đạo đức, thể chất, tinh thần và lối sống; cộng đồng đoàn kết, nhân văn, có bản sắc văn hóa riêng và Nhà nước và chính quyền vì dân, phục vụ Nhân dân, hoạt động hiệu quả, minh bạch, hiện đại. Để đến năm 2045, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới./.
Cửa Biển