CẦN NHẬN THỨC ĐÚNG CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM
Trên trang “Anhemdanchu” tác giả Trần Công Hoan có bài viết: “Khái niệm tự do và dân chủ đa đảng”. Nhằm kích động, lôi kéo người dân gây rối trật tự xã hội, thành lập nhiều hội, nhóm... tiến tới thực hiện Dân chủ đa đảng ở Việt Nam. Thực tế đây là một “viễn cảnh” mà chỉ có Trần Công Hoan và đồng bọn phản động mới có ý đồ xuyên tạc, nhằm phủ định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam, kẻ muốn Nhân dân Việt Nam tiếp tục phải chịu cảnh lầm than, cơ cực... mới có thể vẽ ra những điều thâm độc như vậy.
Trước hết, cần nhận thức rằng Việt Nam không bao giờ thực hiện chế độ “dân chủ đa đảng” như ông tưởng tượng. Việt Nam không thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng không có nghĩa là bảo thủ, mất dân chủ như ông cố tình quy chụp mà đó là yêu cầu khách quan. Bởi vì: Mục tiêu tối thượng của bất kỳ nhà nước nào, trong đó có Nhà nước Việt Nam, là xây dựng một xã hội tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền. Tuy các khái niệm tự do, dân chủ và nhân quyền có một số giá trị chung cho toàn nhân loại, nhưng cần được hiểu và đánh giá trong những bối cảnh hết sức cụ thể của mỗi quốc gia. Trần Công Hoan cố tình cho rằng cứ đa đảng là có dân chủ và ngược lại chế độ một đảng là không có dân chủ mà không cần hiểu rõ bản chất dân chủ là gì. Những người có kiến thức về dân chủ đích thực đều nhận thức được rõ ràng rằng, dân chủ là quyền tự quyết của nhân dân trước những vấn đề trọng đại của đất nước của dân tộc; do vậy một nền dân chủ thực sự không phụ thuộc và chế độ đa đảng hay một đảng.
Thực hiện dân chủ nhân dân là yêu cầu nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ ngày thành lập tới nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhấn mạnh quyền làm chủ của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, dân chủ có nghĩa “dân là chủ” và “người dân làm chủ”, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, quần chúng là động lực của cách mạng. Chính quần chúng nhân dân là lực lượng cách mạng đông đảo nhất trực tiếp thực hiện đường lối cách mạng, biến đường lối cách mạng của Đảng thành hiện thực. Người nói, trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”(1). Ngay từ những ngày đầu mới giành được chính quyền về tay nhân dân sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ./ Bao nhiêu lợi ích đều vì dân./ Bao nhiêu quyền hạn đều của dân./ Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân./ Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân./ Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra./ Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên./ Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(2). Trong lãnh đạo đấu tranh cách mạng, trải qua cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sau đó là cách mạng dân chủ nhân dân, cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta luôn chú trọng xây dựng chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta luôn nhấn mạnh nhân dân làm chủ là bản chất của chủ nghĩa xã hội, kiên định nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, không ngừng thúc đẩy đổi mới chính trị, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và đã đạt được những thành tựu to lớn. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã nêu rõ: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm”(4).
Nội dung cơ bản của dân chủ xã hội chủ nghĩa là tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Hiến pháp năm 2013 quy định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Sở dĩ ngày nay, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trước hết nhờ những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, tích cực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm các quyền tự do, dân chủ, bảo đảm an sinh xã hội. Việt Nam còn là một môi trường hòa bình, ổn định, có quan hệ ngoại giao hữu nghị với các nước, đấu tranh vì tiến bộ trên thế giới. Những thực tế khách quan đó cho thấy bản chất của xã hội xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam là một xã hội dân chủ, vì con người, và không có luận điệu xuyên tạc nào có thể phủ nhận./.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 6, tr. 515.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 5, tr. 698.
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 29.
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 84 - 85
PN.Theo: Nhanvanviet
