image banner
CẢNH GIÁC TRƯỚC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN QUA KINH TẾ TƯ NHÂN

CẢNH GIÁC TRƯỚC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN QUA KINH TẾ TƯ NHÂN

Vừa qua, một số trang mạng nước ngoài bằng tiếng Việt đã có bài viết công kích suy diễn sai trái về bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về kinh tế tư nhân.

Tiếp tục quan điểm xuyên suốt của Đảng

Nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tháng 5/2017 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã tổ chức Hội nghị lần thứ 5 để họp bàn và sau đó Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành nghị quyết về nội dung nêu trên.

Trong nghị quyết, Trung ương một lần nữa khẳng định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Đồng thời, cũng nêu rõ “Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh cùng phát triển theo pháp luật. Khuyến khích làm giàu hợp pháp”.

Tất cả vì một Việt Nam hùng cường thịnh vượng, người dân ngày càng ấm no và hạnh phúc.

Nhà nước cũng không can thiệp vào hoạt động của các doanh nghiệp mà chỉ “định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh” và hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển công bằng, không phân biệt.

Trên thực tế, sau Đại hội X (năm 2006), “kinh tế tư nhân” đã được Đảng, Nhà nước xác định là thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển, không hạn chế về quy mô. Và từ đó đến nay đã có 2 Nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 09 năm 2011, Nghị quyết 10 năm 2017).

Thể chế hoá chủ trương của Đảng, Việt Nam cũng đã xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý; xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển ở mọi lĩnh vực theo đúng quy định của pháp luật.

Tiếp nối chủ trương xuyên suốt đó, mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” trong đó Tổng Bí thư nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân cùng với các thành phần kinh tế khác đồng hành, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Và gần 40 năm đổi mới, mặc dù một số tồn tại, hạn chế song với gần một triệu doanh nghiệp, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, kinh tế tư nhân đã có những đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Cụ thể, đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội.

Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm nghẽn, bất cập về sự ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài trong một số trường hợp, cũng như hiệu quả chưa tương xứng với nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước (do yếu tố lịch sử để lại). Và những hạn chế kìm hãm sự phát triển của kinh tế tư nhân.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu khối kinh tế tư nhân cần “xác định rõ hơn về sứ mạng và tầm nhìn của mình” và là “lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, có trách nhiệm xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tham gia xây dựng xã hội văn minh, hiện đại và góp phần xây dựng một Việt Nam năng động và hội nhập quốc tế”;.. “cùng cả nước xây dựng nên một Việt Nam năng động, độc lập, tự chủ, tự cường và phát triển thịnh vượng”.

Để thực hiện mục tiêu chung của đất nước, Tổng Bí thư cũng đề nghị cần phải quán triệt định hướng quan điểm và nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân như là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của đất nước.

Tổng Bí thư cũng cho biết, Bộ Chính trị sẽ ban hành Nghị quyết mới theo hướng khuyến khích, hỗ trợ và định hướng sự phát triển của kinh tế tư nhân, phải tạo ra một động lực đột phá, mở ra kỷ nguyên vươn mình của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Cùng với đó là các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Như vậy có thể khẳng định, quan điểm chủ trương về phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không thay đổi. Có chăng, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đưa ra cách tiếp cận theo tư duy mới, cách làm mới, sáng tạo, chứ không phải “thay đổi tư tưởng”, hay “vứt bỏ đường lối” như các thế lực thù địch xuyên tạc, chụp mũ.

Cẩn trọng với luận điệu suy diễn sai trái

Trong bài viết suy diễn, công kích của mình, các thế lực thù địch đã trích dẫn những phân tích thẳng thắn của Tổng Bí thư chỉ ra những tồn tại của doanh nghiệp nhà nước để suy diễn rằng ông mang “tư tưởng của chủ nghĩa tư bản” và cho rằng quan điểm ủng hộ phát triển kinh tế tư nhân của Tổng Bí thư Tô Lâm “đối lập” với người tiền nhiệm.

Như đã đề cập ở trên, kinh tế tư nhân đã xác lập vị trí từ cách đây gần 2 thập kỷ và các Tổng Bí thư tiền nhiệm đều ủng hộ. Nhờ đó kinh tế tư nhân mới phát triển trong tất cả các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, thương mại- dịch vụ, văn hoá xã hội… và có đóng góp như ngày nay. Kinh tế tư nhân cũng chưa bị “chèn ép”, “bắt nạt” như bài viết của các thế lực thù địch nêu.

Việc thẳng thắn nhìn vào sự thật, chỉ ra các tồn tại yếu kém là điều các Tổng Bí thư tiền nhiệm đã làm. Đơn cử như Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ở giai đoạn đầu “đổi mới” đã làm.

Trong quá trình lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định chủ nghĩa xã hội, kiên đinh với chủ trương đường lối của mình song cũng luôn tiếp thu, đổi mới cho phù hợp với tình hình thế giới thay đổi cùng sự tiến bộ của nhân loại. Mọi việc mà Đảng làm đều hướng tới dân tộc, đất nước, Nhân dân.

Từ câu chuyện kinh tế tư nhân, chúng đã kéo quàng, kéo xiên sang chủ nghĩa cộng sản, xuyên tạc rằng “chủ nghĩa xã hội và tăng trưởng kinh tế mâu thuẫn với nhau”. Rồi Đảng Cộng sản Việt Nam đang giảm nhẹ yếu tố chủ nghĩa xã hội, tăng yếu tố là chủ nghĩa dân tộc và tăng trưởng kinh tế rồi dần dần bỏ yếu tố chủ nghĩa xã hội. Và Việt Nam chỉ là còn là một nước Xã hội Chủ nghĩa trên danh nghĩa.

Có thể nói, sự suy diễn (và lấy lời của một số nhân vật đối lập, chống phá, có tư tưởng thù địch với Đảng, Nhà nước Việt Nam) của các đối tượng hoàn toàn mang tính chống phá, dẫn dắt dư luận nhằm phủ nhận thành quả lịch sử, gây mất đoàn kết nội bộ. Nguy hiểm hơn chúng muốn xoá bỏ chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội – mục tiêu đen tối mà chúng đã thực hiện hàng nhiều thập kỷ qua.

Trên thực tế, với những thế lực chống phá, thù địch thì chúng chưa từ bỏ bất kỳ một âm mưu, thủ đoạn nào để “nói xấu, xuyên tạc” về Việt Nam. Bằng chứng là bất kỳ chủ trương, chính sách nào từ to đến nhỏ của Đảng, Nhà nước, thậm chí là những vụ việc vụn vặt, tiêu cực trong xã hội cũng bị chúng vin cớ suy diễn, bôi nhọ, kích động, chống phá.

Vì vậy, Nhân dân hãy tiếp tục nâng cao ý thức cảnh giác, nhận thức rõ ràng, thông minh trong cách tiếp cận thông tin, để tránh những cạm bẫy mà các thế lực thù địch, chống phá đưa ra!./.

PN.Theo: Báo Công Thương

Admin
TIN MỚI NHẤT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0