image banner
Chuyển đổi số toàn diện

(HPĐT)- Xác định chuyển đổi số là động lực phát triển, thành phố tăng tốc thực hiện nhiệm vụ này toàn diện trên các lĩnh vực. Những kết quả đạt được rất cụ thể, có thể đo đếm được, hướng tới xây dựng thành phố thông minh, kiến tạo nền tảng vững chắc để đến năm 2030, Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững, tầm cỡ khu vực Đông Nam Á theo tinh thần Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị.

Nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu

 Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường, xuyên suốt từ năm 2022 đến nay, thành phố luôn đặt mục tiêu, nhiệm vụ đẩy mạnh chuyển đổi số trong chủ đề, định hướng hoạt động của năm để các cấp, ngành, địa phương tập trung thực hiện. Cùng với đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và tăng cường thực hiện các chính sách xã hội, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm được Thành ủy, HĐND thành phố xác định trong chủ đề năm 2024 và tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt, nhằm tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn. Đồng thời, thành phố ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong Nghị quyết số 03 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Chuyển đổi số đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đề ra. Tại các kỳ họp thường kỳ UBND thành phố, bên cạnh nội dung quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số thành phố luôn riết róng đôn đốc tiến độ triển khai, bảo đảm chất lượng, hiệu quả thiết thực nhất, cũng như bàn bạc, đề xuất giải pháp kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị.

Năm 2024, thành phố xác định thực hiện 81 nhiệm vụ cụ thể trong lĩnh vực chuyển đổi số, với kinh phí phân bổ dự kiến hơn 398 tỷ đồng. Các nhiệm vụ tập trung số hóa, phát triển dữ liệu chuyên ngành, hỗ trợ quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính, tiến tới xây dựng kho dữ liệu dùng chung, cổng dữ liệu mở… Việc bố trí vốn thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số được thành phố giám sát chặt chẽ, kiên quyết ngừng triển khai với các đơn vị, địa phương chậm trễ; nghiêm khắc phê bình người đứng đầu đơn vị, địa phương. Qua đó, tinh thần trách nhiệm của các ngành, đơn vị, địa phương trong thực hiện chuyển đổi số được nâng lên rõ rệt.

Từ sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của thành phố, các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện chuyển đổi số hết sức khẩn trương, quyết liệt. Phó chủ tịch UBND quận Đặng Văn Khởi quận Ngô Quyền cho biết, quận đang khẩn trương hoàn thành số hóa, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, chuẩn bị sẵn sàng khai trương và tích hợp Hệ thống thông tin quản lý DSS vào Trung tâm điều hành thông minh của quận sắp tới. Chuyển đổi số tại quận đi vào mọi lĩnh vực đời sống, phục vụ đắc lực công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, đoàn thể, chính quyền quận; đồng thời mang lại tiện ích, thiết thực phục vụ người dân. Đến nay, quận Ngô Quyền là địa phương đi đầu thành phố thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội qua tài khoản cho các trường hợp do quận quản lý, đạt tỷ lệ 100%, mặc dù Trung ương yêu cầu thời hạn từ ngày 1-9- 2024; 100% số chợ, tuyến đường trên địa bàn quận áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt…

Chuyển biến đồng bộ, rõ nét

Theo Ban Chỉ đạo chuyển đổi số thành phố, nhờ quyết liệt trong thực hiện các nhiệm vụ, đến nay, chương trình chuyển đổi số thành phố bước đầu thu “những trái ngọt”, kết quả rõ nét trên nhiều lĩnh vực. Hạ tầng số của thành phố phát triển mở rộng. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn thành phố đưa vào khai thác mới 60 trạm BTS, nâng tổng số trạm BTS lên 2.502 trạm. Mạng internet băng thông rộng cáp quang phát triển rộng khắp đến 100% số xã, phường, thị trấn. Tốc độ trung bình mạng internet băng rộng cố định được cải thiện đáng kể, tốc trung bình tại thời điểm tháng 5- 2024 đạt 148 Mbps tăng 53%, so với thời điểm tháng 12-2023. 7 trạm BTS công nghệ 5G được triển khai thử nghiệm tại cảng Tân Vũ, cảng Đình Vũ và khu vực trung tâm thành phố.

Phát triển dữ liệu số, ứng dụng nền tảng số được chú trọng, được coi là nguồn tài nguyên quan trọng tạo ra dư địa phát triển mới. Thành phố hoàn thành triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu thành phố (LGSP) với 19 hệ thống của bộ, ngành Trung ương. Cơ sở dữ liệu được cập nhật hết sức khẩn trương, hiệu quả. Trong đó, cơ sở dữ liệu đất đai đã xây dựng 665.647 thửa đất có dữ liệu không gian; 291.034 thửa đất có dữ liệu thuộc tính và 936.445 tệp dữ liệu hồ sơ quét. Tổng dung lượng lưu trữ hồ sơ hiện 4.18 TB. Đồng thời, dữ liệu đất đai được liên thông với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Về dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, Sở Nội vụ cập nhật, đồng bộ hơn 42.000 hồ sơ thuộc thành phố lên Cơ sở dữ liệu quốc gia, bảo đảm tiêu chí “Đúng - Đủ - Sạch - Sống”… Chính quyền số thành phố phát triển mạnh. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn thành phố đạt hơn 90%. Hiện, 100% các cơ quan nhà nước từ thành phố tới cấp xã, tích hợp chữ ký số chuyên dùng để thực hiện ký số văn bản điện tử, 100% số văn bản được gửi trên môi trường mạng. Dự kiến trong quý 4-2024, thành phố hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành kho dữ liệu dùng chung, cổng dữ liệu mở, nền tảng phân tích dữ liệu tổng hợp, hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành tổng thể của chính quyền, ứng dụng công dân số. Ngoài ra, thành phố đưa vào vận hành Tổng đài 1022 tiếp nhận và giải đáp thông tin. Trên địa bàn thành phố có gần 1.000 doanh nghiệp công nghệ số hoạt động; gần 9.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của Hải Phòng hiện đạt 29,7%, cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết 03 (Nghị quyết đề ra chỉ tiêu đạt tỷ trọng 25% vào năm 2025).

Đáng chú ý, hoạt động của nhiều cơ quan, đơn vị liên quan đến người dân, doanh nghiệp được triển khai trên môi trường điện tử nhằm tạo thuận lợi và thông thoáng như: thủ tục Hải quan điện tử với hơn 99,65% số doanh nghiệp tham gia với thời gian tiếp nhận, thông quan hàng hóa đối với tờ khai luồng xanh chỉ từ 1-3 giây; cấp phép đầu tư; cấp phép thành lập và đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp; cấp điện, cấp nước sạch cho người dân và doanh nghiệp; cấp đổi giấy phép lái xe; triển khai phần mềm quản lý tài nguyên đất đai kết nối với Cổng thông tin đất đai; bệnh viện kết nối dữ liệu liên thông với Cổng thông tin giám định Bảo hiểm xã hội…

Có thể khẳng định, những kết quả trên là minh chứng cho nỗ lực của cả hệ thống chính trị thành phố trong thực hiện chuyển đổi số. Bên cạnh kết quả đạt được còn nhiều khó khăn, bởi đây là nhiệm vụ mới với các ngành, địa phương. Và hơn nữa, chuyển đổi số là nhiệm vụ không có điểm kết thúc. Do vậy, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị thành phố tiếp tục nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa trong quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành hình mẫu của các địa phương về chuyển đổi số.

BÀI VÀ ẢNH: NGỌC LAN

Admin
TIN MỚI NHẤT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0