Triển khai đề án 06/CP trong lĩnh vực y tế: Nỗ lực đạt hiệu quả cao

(HPĐT)- Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong lĩnh vực y tế được coi là giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Triển khai Kế hoạch số 31 của UBND thành phố thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn thành phố (gọi tắt là Đề án 06/CP) càng thấy rõ hơn hiệu quả việc ứng dụng mạnh mẽ CNTT, tiến tới chuyển đổi số trong ngành Y tế.
Giản tiện thủ tục từ triển khai các mô hình
Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp là một trong những đơn vị tiên phong trong triển khai mô hình khám, chữa bệnh dùng thẻ căn cước công dân (CCCD) có gắn chip. Để thực hiện công tác này, bệnh viện bố trí nhân lực, nâng cấp phần mềm tại khu vực tiếp đón người dân đến khám, chữa bệnh bằng BHYT. Đồng thời, nâng cấp hệ thống thiết bị quét mã vạch. Theo chị Nguyễn Thị Hoa, phường Đông Hải 2 (quận Hải An), trước đây, khi đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện phải mất nhiều thời gian cho quy trình từ mua hồ sơ, khai tên tuổi, địa chỉ, xuất trình thẻ BHYT, sau đó kiểm tra mã số thẻ y tế trên hệ thống và các loại giấy tờ phù hợp cho việc khám, chữa bệnh. “Lần này, đến khám bệnh, tôi chỉ phải trình mỗi thẻ căn cước công dân là được đăng ký khám bệnh luôn, giảm thời gian chờ đợi đáng kể”, chị Hoa phấn khởi.
Từ năm 2023, Bệnh viện Kiến An, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện quốc tế Green… cũng triển khai khám, chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VneID hoặc EKYC (xác thực khuôn mặt). Tính đến nay, Hải Phòng duy trì 184/184 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT tra cứu, tiếp nhận được thẻ CCCD đối với người đến khám, chữa bệnh, đạt tỷ lệ 100%. Theo đánh giá của ngành Y tế, việc triển khai mô hình này đem lại nhiều tiện ích, như: người bệnh không cần mang nhiều giấy tờ, giảm từ 2 đến 3 bước trong quy trình 6 bước trong khám bệnh, chấm dứt tình trạng mượn thẻ BHYT đi khám bệnh để trục lợi Quỹ BHYT. Đồng thời, toàn bộ thông tin của người bệnh được đăng tải kịp thời lên hệ thống, bác sĩ không cần lục tìm hồ sơ để xem tiền sử bệnh lý của người bệnh. Toàn bộ quá trình khám bệnh của người bệnh từ lúc bắt đầu khám, khám ở đâu, khám những gì, bệnh lý như thế nào… đều được cập nhật trên hệ thống.
Bên cạnh đó, để giản tiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp tiếp tục phối hợp Công ty cổ phần Giải pháp công nghệ TAG Việt Nam triển khai thí điểm mô hình khám, chữa bệnh sử dụng sinh trắc học, ki-ốt tự phục vụ. Cùng với đó, Sở Y tế đang phối hợp Công an thành phố triển khai mô hình nền tảng quản lý lưu trú tại các cơ sở khám, chữa bệnh cũng như chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai tích hợp thông tin “Sổ sức khỏe điện tử” trên ứng dụng VneID.
Tiếp tục triển khai các giải pháp tích cực
Theo Phó giám đốc Sở Y tế Phan Huy Thục, để có kết quả trên, ngành Y tế triển khai nhiều giải pháp để các mô hình được ứng dụng trong thực tiễn. Trong đó, về hoàn thiện thể chế, Sở Y tế thường xuyên rà soát thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Y tế để trình UBND thành phố công bố, sửa đổi, bãi bỏ theo đúng quy định, đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Về thực hiện dịch vụ công trực tuyến, Sở Y tế có văn bản đề xuất danh mục “Dịch vụ công trực tuyến” gửi Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp chung và trình UBND thành phố ban hành quyết định về việc công bố danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần trên địa bàn thành phố. Về hạ tầng CNTT, Sở cũng trang bị máy tính, đường truyền Internet để triển khai cập nhật dữ liệu phần mềm “một cửa” điện tử của thành phố, các bệnh viện trang bị hạ tầng CNTT, phần mềm để kết nối chuyển dữ liệu giấy chứng sinh, giấy báo tử, giấy khám sức khỏe lái xe lên Cổng giám định BHYT phục vụ triển khai Đề án 06/CP…
Nhận định những nhiệm vụ của ngành Y tế trong thực hiện Đề án 06/CP được triển khai có hiệu quả, song lãnh đạo Sở Y tế cho biết quá trình triển khai thực hiện đề án cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đối với 89 thủ tục hành chính đưa lên cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố, mới chỉ đưa được 13 dịch vụ công toàn trình, còn lại do quy định của Bộ Y tế tại Khoản 1, Điều 3, Thông tư số 53/2017 phải lưu hồ sơ gốc trước khi có kết quả và kết quả cấp bản giấy trực tiếp cho công dân lên không thể đưa các dịch vụ công lên toàn trình 100% được. Hạ tầng thông tin tại các bệnh viện còn thiếu nhiều, hệ thống mạng xuống cấp, nhất là các bệnh viện tuyến quận, huyện không có nguồn lực để trang bị, chưa đáp ứng được mức độ an toàn thông tin. Nhân lực CNTT tại các đơn vị hiện còn thiếu, nhất là tại các đơn vị khám, chữa bệnh tuyến cơ sở…
Để khắc phục các khó khăn trên, Sở Y tế tiếp tục công tác tuyên truyền, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án 06/CP được thành phố giao; liên tục cập nhật các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế về chuyên môn, nghiệp vụ để áp dụng triển khai tại địa phương; phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06, nhất là bảo đảm hoàn thành tiến độ triển khai các mô hình điểm… Từ thực tiễn triển khai đề án, Sở Y tế đề nghị Bộ Y tế sửa đổi các quy định về lưu trữ điện tử, nhất là các quy định về tiếp nhận, trả kết quả, lưu trữ thủ tục hành chính để đồng bộ được tất cả thủ tục hành chính được cung cấp toàn trình. Đối với nền tảng số Y tế, đề nghị Bộ Y tế đầu tư trung tâm dữ liệu triển khai thống nhất từ Trung ương tới các địa phương, xây dựng kho dữ liệu tập trung tại Bộ Y tế, chia sẻ cho các địa phương khai thác các dữ liệu chuyên ngành, dữ liệu phục vụ Đề án 06/CP để các địa phương không phải đầu tư gây lãng phí nguồn lực.
BÀI VÀ ẢNH: NAM SƠN