(HPĐT)- Những ngày qua, trên các mạng xã hội Tik Tok, Facebook… rộ lên một số trào lưu tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng không tốt thậm chí gây nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng người tham gia như hít dầu gió, “bắt pen”. Đáng chú ý, những trào lưu này thu hút nhiều bạn trẻ tò mò học theo mà không ý thức được tác hại liên quan đến sức khỏe.

Học sinh hít dầu gió theo “trend” gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đủ kiểu ”đu trend” tìm cảm giác thư giãn
Mới đây, nhiều bạn trẻ sử dụng mạng xã hội Tik Tok xôn xao bàn tán về trào lưu “bắt pen” cổ do một số thành viên đăng tải video hướng dẫn cách thực hiện. Em Phạm Thị Thùy Chi, học sinh lớp 10 Trường THPT Anhxtanh cho biết: Bạn bè em có chia sẻ một video được đăng tải trên Tik Tok hướng dẫn cách “bắt pen” để tạo cảm giác thư giãn. Theo nội dung clip, 2 bạn ngồi đối diện nhau, một người dùng tay tác động ấn mạnh vào khu vực động mạch cổ của đối phương, sau đó giữ cho đến khi đối phương ngất lịm, co giật thì dừng lại. Em thấy, việc làm ấy quá nguy hiểm. Một số bạn bè mà em biết cũng kháo nhau thử làm theo, tuy nhiên, các bạn mới chỉ bàn tán và trêu đùa nhau.
Theo chỉ dẫn của Chi, phóng viên tìm được đường link của video clip nói trên trên mạng xã hội Tik Tok thì thấy nhiều bình luận chia sẻ cảm giác khi thử “bắt pen” theo hướng dẫn là rất “phê”, thích hợp để giảm stress vì sau khi thực hiện động tác theo hướng dẫn, người bị “bắt pen” sẽ có cảm giác lơ mơ, ảo giác thoáng qua rồi trở lại bình thường.
Trước đó, một trào lưu cũng thu hút rất đông các bạn trẻ thực hiện theo để tìm kiếm cảm giác thư giãn, xả stress là hít dầu gió. Các loại dầu gió mà các bạn trẻ sử dụng để hít là dầu Phật Linh, dầu gió xanh Thiên Thảo… Người dùng sẽ cho một chút dầu gió ra lòng bàn tay, xoa đều rồi đưa lên mũi hít thật sâu để cảm nhận mùi hương nồng của dầu gió.
Đồng hành, hướng dẫn để trẻ tránh xa trào lưu nguy hiểm
Theo bác sĩ Nguyễn Mai Lan, Bệnh viện Y học biển Việt Nam, cả hai trào lưu “bắt pen” và hít dầu gió đều tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu, thậm chí là nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng. Đơn giản như trào lưu hít dầu gió, nhiều người cho rằng không nguy hại, tuy nhiên thực tế không phải vậy. Trong thành phần của dầu gió có chứa các tinh dầu, thường là tinh dầu bạc hà với methol và methyl salicylate và các thành phần khác như khuynh diệp, quế, tràm, long não, hương nhu… Tuy nhiên, việc sử dụng dầu gió quá liều có thể gây rách vùng màng nhầy mũi, họng, gây tổn thương cho hệ hô hấp. Ngoài ra, khi sử dụng dầu gió không đúng cách cũng có thể gây ngộ độc, nhất là với trẻ em. Riêng đối với trào lưu “bắt pen”, theo các chuyên gia trong lĩnh vực tim, mạch, hệ thống động mạch cảnh ở cổ có nhiệm vụ đưa máu lên não. Tại hai động mạch cảnh ở cổ còn có xoang cảnh, có tác dụng điều chỉnh nhịp tim, huyết áp. Động tác dùng tay ép chặt hai bên động mạch cảnh sẽ gây giảm lượng máu cung cấp cho não bộ và có thể gây chóng mặt, ngất, mất ý thức thậm chí nặng hơn có thể làm chậm nhịp tim và ngưng tim. Những tác hại này rất nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí đe dọa an toàn tính mạng của người bị “bắt pen”.
Theo chuyên gia tâm lý học Đoàn Minh Tỵ, trẻ nhỏ luôn có sự tò mò và thích bắt chước, học theo những thứ lạ lẫm, trải nghiệm cảm giác mới lạ. Trong cuộc sống công nghệ 4.0, nhiều gia đình trang bị điện thoại thông minh cho các em học sinh, việc cha mẹ đồng hành, hướng dẫn con biết phân biệt đúng, sai, cái gì tốt, cái gì xấu trên mạng xã hội là rất quan trọng. Có như vậy, trẻ mới hình thành ý thức không bắt chước, học theo những trào lưu, hướng dẫn nguy hiểm từ mạng xã hội.
Thầy giáo Trần Đức Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT An Lão cho biết: Ngay khi có thông tin về trào lưu “bắt pen”, trường nhận được công văn của văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo gửi Ban giám hiệu các nhà trường để chuyển tới giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ học sinh nắm, có biện pháp cùng phối hợp, hướng dẫn học sinh tránh xa trào lưu này. Quán triệt chỉ đạo trên, Ban giám hiệu, các thầy, cô giáo các nhà trường luôn quan tâm, nhắc nhở học sinh không làm theo những trào lưu nguy hiểm từ mạng xã hội. Bắt đầu từ tháng 9-2024, thêm một số trường học tại thành phố Hồ Chí Minh áp dụng quy định không cho học sinh mang điện thoại di động vào trường. Động thái này cũng được xem là một giải pháp, đồng thời là gợi ý trong việc hướng dẫn, bảo vệ trẻ trước những trào lưu độc hại từ internet. Trước khi cộng đồng xã hội, cơ quan chức năng có những động thái cứng rắn hơn, từ chính mỗi gia đình, các bậc cha mẹ cần nghiêm túc đánh giá các nguy cơ từ đó quyết định việc trang bị, hướng dẫn trẻ sử dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội đúng đắn để tránh những hệ lụy xấu từ những trào lưu độc hại trên môi trường mạng.
Bài và ảnh: THÀNH LÊ